Đăng ký hội viên clb |

Các qui định nhập khẩu vào thị trường Thụy Điển

images5351015-kinh-te-2kfdt
 

                                            (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Các qui định nhập khẩu vào thị trường Thụy Điển, do Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển tổng hợp để doanh nghiệp tham khảo.

1.     Giấy phép nhập khẩu

Sau khi Thụy Điển gia nhập Liên minh Châu Âu vào ngày 1 tháng 1 năm 1995, rất nhiều hàng hóa nhập khẩu vào Thụy Điển yêu cầu bắt buộc phải có giấy phép. Đặc biệt là hàng dệt may và quần áo nhập khẩu từ các nước đang phát triển, sắt thép nhập khẩu từ hầu hết các nước Tây Âu, thực phẩm, động vật sống và một số hàng tiêu dùng đến từ Trung Quốc. Có gần 60.000 giấy phép nhập khẩu (hầu hết là cho các sản phẩm dệt may) được cấp mỗi năm. Giấy phép có giá trị trong một giai đoạn nhất định và đòi hỏi cả quyền lợi và nghĩa vụ để đảm bảo rằng số lượng hàng nêu ra được nhập khẩu trong thời hạn của giấy phép. 

Để có giấy phép nhập khẩu, người xin cấp giấy phép nhập khẩu phải cung cấp giấy bảo lãnh kèm với đơn đề nghị. Giấy bảo lãnh sẽ được hoàn trả cho người xin cấp giấy phép nhập khẩu khi các yêu cầu của giấy phép đã được hoàn thành.

Cần phải liên hệ với cơ quan cấp giấy phép trước khi tiến hành hoạt động nhập khẩu. 

Thông tin đăng ký cấp phép được gửi hàng ngày cho Uỷ ban Châu Âu tại Brussels (Bỉ) phê duyệt. Riêng hàng công nghiệp sẽ do Ban Quản lý Thương mại Quốc gia Thụy Điển cấp giấy phép.

Trước khi nhập khẩu, nhà nhập khẩu nên tìm hiều các quy định áp dụng đối với mặt hàng của mình. Để nhập một số loại hàng sau đây, nhà nhập khẩu bắt buộc phải nộp giấy phép nhập khẩu:

  • Hàng thực phẩm (đòi hỏi phải có giấy phép nhập khẩu do Ban quản lý Lương thực Quốc gia ban hành. Sự phân phối và cấp giấy phép nhập khẩu các sản phẩm lương thực do Ban quản lý Lương thực Quốc Gia điều phối).  
  • Hàng dệt may
  • Các loại vũ khí
  • Bơm, kim tiêm
  • Các loại động vật và cây trồng đang có nguy cơ tuyệt chủng
  • Rượu và các loại đồ uống có cồn khác
  • Nông sản: Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp cần phải có giấy phép nhập khẩu. Riêng đối với các loại động vật, cây trồng, và các sản phẩm thuộc danh mục các loài được bảo vệ theo Công ước Washington (CITES), nhìn chung cần phải có cả giấy phép của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu, và giấy phép của Bộ Nông nghiệp Thụy Điển
  • Thuốc, chất dược phẩm và chất pha chế, ống tiêm, ống thông dò, thuốc mê, thuốc tránh thai đều phải có giấy phép nhập khẩu do Uỷ ban Quốc gia về Y tế và Phúc lợi cấp. Tài liệu tham khảo chính thức là Dược thư Thụy Điển.

2.     Hàng cấm nhập khẩu hoặc hạn chế nhập khẩu

Cá ngừ đỏ từ Belize, Panama và Honduras

Đồ chơi chứa đồng sunfat

Các loại sợi amiăng

L-Trytophane và các mặt hàng có chứa thành phần L- Trytophane

Các loại tẩy cao su có hình dạng hấp dẫn như thực phẩm, dễ gây nhầm lẫn với đồ ăn được

Các loại nhiệt kế y tế có chứa thủy ngân

Các sản phẩm đã được sơ chế trên bề mặt bằng chất catmi hoặc là có chứa chất catmi

Thi hài, hài cốt, các bộ phận cơ thể người, phôi người và động vật

Các loại thực phẩm dễ hỏng và các loại thực phẩm và đồ uống cần giữ lạnh hoặc các điều kiện bảo quản nhất định

Các sản phẩm ngũ cốc và bánh mì có chứa bromat kali 

Catmi và các sản phẩm có chứa catmi  

Việc vận chuyển cần sa, thuốc lá Hasit và các chất gây nghiện khác vào Thụy Điển sẽ phải chịu những hình phạt như: ngồi tù, tử hình hoặc trục xuất.

 Các loại hàng hoá nằm trong danh mục hàng cấm nhập khẩu sẽ không được lưu kho tại bất cứ kho chứa/ kho hải quan, khu vực lưu kho nào, mà chúng sẽ bị trả lại.

Hàng hạn chế nhập khẩu:

Đối với một số hàng hoá nhất định như vũ khí, chất gây nổ, và chất độc hại chỉ các cá nhân và tổ chức có thẩm quyền mới có quyền nhập khẩu, và yêu cầu phải có giấy phép nhập khẩu hoặc sự cho phép đặc biệt. Các chất pha chế vi khuẩn học nhất định chỉ có thể được nhập khẩu bởi Phòng thí nghiệm Vi khuẩn Quốc gia. Thực phẩm có bổ sung Vitamin yêu cầu phải có sự phê chuẩn của Bộ Thương mại Thụy Điển. 

Ngoài ra, ở Thụy Điển, rượu thường bị đánh thuế rất nặng và chỉ được bán ở những cửa hàng đặc biệt.

3.     Hàng tạm nhập

Hàng hoá có thể được miễn nộp thuế nhập khẩu và/ hoặc thuế giá trị gia tăng khi được nhập khẩu trong thời gian ngắn vào lãnh thổ Châu Âu, và sau đó sẽ được tái xuất. 

Thụy Điển tôn trọng ATA Carnet, đây là một văn kiện hải quan quốc tế được lập nhằm đơn giản hoá các thủ tục hải quan đối với các thương nhân và chuyên gia mang theo:

Các mẫu thương phẩm

Tư liệu quảng cáo hay triển lãm

Phim

Thiết bị y tế hay thiết bị chuyên dụng

Các loại máy móc hay thiết bị thay thế trong thời hạn sửa chữa bảo hành

Việc nhập khẩu tạm thời các mẫu thương phẩm, các hàng hoá phục vụ triển lãm và hội chợ, và trang thiết bị chuyên dụng cần được Phòng Thương mại cho phép. 

Hơn 40 nước đã tham gia vào hệ thống ATA carnet. ATA carnet cho phép tạm nhập mà không cần phải điền tờ khai hải quan hay đặt cọc thuế hải quan và các loại phí khác.

4.     Thủ tục hải quan

Thủ tục thông quan hàng nhập khẩu:

Thủ tục hải quan thông thường và thủ tục đơn giản hoá thường được tiến hành khi hàng hoá được cho phép lưu hành tự do. Hàng hoá được được phép lưu hành tự do sau khi đã nộp đủ thuế và tuân thủ các quy định đề ra. 

Thủ tục hải quan thông thường là thủ tục mà theo đó hàng hoá được trả khi hoàn tất khai báo nhập khẩu đi kèm với các chứng từ liên quan và nộp đầy đủ thuế và các nghĩa vụ hải quan khác cho cơ quan hải quan.

Thủ tục hải quan đơn giản là thủ tục mà theo đó cơ quan hải quan nơi tiến hành nhập khẩu chấp thuận cho nhà nhập khẩu chỉ cần hoàn tất các chứng từ liên quan, còn thuế có thể được nợ và nhà nhập khẩu chỉ cần ghi nợ khoản thuế này với cơ quan hải quan.

Tờ khai hải quan phải do nhà nhập khẩu hoặc người được nhà nhập khẩu uỷ nhiệm nộp cho cơ quan hải quan. Nhà nhập khẩu (không phải người được nhà nhập khẩu uỷ nhiệm) chịu trách nhiệm về việc khai báo hải quan và về việc các thông tin khai báo là chính xác.

Khai báo hải quan qua Internet: Đây là một phương thức chuyển tải tờ khai xuất nhập khẩu đến cơ quan hải quan một cách nhanh gọn và hiệu quả. Toàn bộ quá trình khai tờ khai hải quan tại Thụy Điển qua Internet đều miễn phí. Người nhập khẩu chỉ cần nhập các mục cần thiết trong mẫu tờ khai điện tử, sau đó chuyển đến hệ thống máy tính của Hải quan Thụy Điển qua Internet. Những thông tin khai báo điện tử được hợp lệ hoá nhờ việc sử dụng chữ ký điện tử.

Khai báo hải quan trên giấy tờ: Người nhập khẩu sau khi khai đầy đủ các thông tin trên tờ khai (trên văn bản giấy) sẽ nộp tờ khai này cho cơ quan hải quan. Nhân viên hải quan sẽ nhập các thông tin trên tờ khai vào hệ thống máy tính của Hải quan Thụy Điển. Người nhập khẩu sẽ phải trả một khoản lệ phí cho việc khai báo này. (Nếu khai và nộp tờ khai hải quan ngoài giờ hành chính và ngày nghỉ sẽ phải trả một khoảng lệ phí khoảng 5 USD) 

Cách điền tờ khai hải quan do Cục Hải quan Thụy Điển hướng dẫn. Sách hướng dẫn này được cung cấp miễn phí tại các cơ quan hải quan, tuy nhiên, chưa có sách hướng dẫn bằng tiếng Anh. Vì vậy, nhà nhập khẩu nói tiếng Anh có thể nhận được sự giúp đỡ từ đường dây hỗ trợ thông tin của hải quan Stokholm (08 789 7955) hay tại văn phòng hải quan gần nhất.

Các chứng từ cần nộp hoặc xuất trình khi làm thủ tục hải quan:

Khi làm thủ tục hải quan cần có các chứng từ sau: 

  • Hoá đơn thương mại
  • Vận đơn
  • Tờ khai hải quan đối với một số hàng cụ thể để xác định trị giá hải quan của toàn bộ lô hàng khai báo.

Tờ khai hải quan chỉ bắt buộc khi giá trị của lô hàng vượt quá 3000 ECU (đơn vị tiền tệ Châu Âu) hay 48000 SEK (Đồng tiền Thụy Điển là đồng curon (crown/s, krona/kronor). Viết tắt quốc tế của đồng curon là SEK, còn viết tắt thông thường ở Thụy Điển là kr.

Ngoài ra, trong một số trường hợp cần phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ (hay chứng nhận xuất xứ kèm theo hoá đơn). Giấy chứng nhận xuất xứ là bắt buộc đối với các sản phẩm dệt may dựa vào luật pháp EU, và các chứng từ khác (trong những trường hợp đặc biệt cần xác nhận, bạn phải nộp tờ khai hàng trả lại đi kèm với một bản sao tờ khai hàng xuất khẩu, giấy phép…).

Quy định về nội dung các chứng từ: Thụy Điển không có quy định cụ thể về mẫu hoá đơn thương mại, vận đơn hay các chứng từ vận chuyển khác. Theo các quy định của hải quan Thụy Điển và EU, hoá đơn phải có các thông tin sau:

  • Tên, chữ ký và địa chỉ của người bán
  • Tên và địa chỉ người mua
  • Ngày viết hoá đơn
  • Ngày hợp đồng mua bán được ký kết
  • Số của thùng, bưu kiện hoặc container
  • Tên chỉ mục hàng hoá
  • Số, ký hiệu loại và trọng lượng thực và tổng
  • Khấu trừ của sản phẩm (và loại khấu trừ)
  • Các điều kiện về giao hàng và thanh toán

Các chứng từ gửi hàng có thể được lập bằng tiếng Anh. Việc chuyển hàng vào Thụy Điển cần có vận đơn. Tốt nhất là khi đưa hàng vào Thụy Điển cần có vận đơn sạch đi kèm hoá đơn.

Ngoài ra, trong một số trường hợp nhất định, cơ quan hải quan cũng có thể yêu cầu xuất trình các chứng từ vận chuyển hàng, hoặc phiếu đóng gói.

Xác định trị giá tính thuế hải quan:

Cơ sở xác định trị giá tính thuế của hàng hóa là trị giá giao dịch của hàng hóa (theo như Bản thỏa thuận thi hành điều khoản VII của Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch - GATT) cộng thêm một số chi phí khác như: 

  • Phí chuyên chở đến địa điểm nhập khẩu vào EU
  • Phí bảo hiểm
  • Phí bốc dỡ hàng
  • Phí trả cho người môi giới
  • Phí bản quyền và phí xin giấy phép mà người mua phải trả theo như điều kiện mua hàng
  • Một phần lợi nhuận mà người bán phải trả trong trường hợp bán cho bên thứ 3.

 

Phân loại hàng hóa:

Tất cả các loại hàng hoá đều được phân loại và gắn mã số theo Hệ thống hài hoà về mô tả và mã hoá hàng hoá (HS). Mã được sử dụng để nhận dạng tỉ lệ thuế sẽ thu, cũng như để nhận biết liệu loại hàng hóa đó có nằm trong danh mục cần phải có giấy phép nhập khẩu hay không.  

Phân loại hàng hóa có nghĩa là nhận dạng đúng mã hàng cho hàng hóa của mình. Tất cả các mã này đều có trong quy định về thuế quan của Thụy Điển.

Mã hàng là cơ sở để nn viên hải quan làm thủ tục thông quan cho hàng hóa, cụ thể hơn chính là để áp thuế hay nhận dạng loại hàng hóa đó cần phải có giấy phép đi kèm hay không. Vì lý do này, việc nhà xuất nhập khẩu nhận biết và sử dụng đúng loại mã hàng hóa là rất quan trọng khi tiến hành thủ tục xuất nhập khẩu.

Có những loại hàng hóa dễ dàng phân loại, chúng có thể được định nghĩa rõ ràng trong văn bản quy định. Tuy nhiên, có một số loại hàng hóa gặp khó khăn khi phân loại, trong trường hợp đó các nhà xuất nhập khẩu nên tìm sự  trợ  giúp từ phía cơ quan hải quan và có thể là sẽ phải chịu áp dụng Quy định phân loại ràng buộc. 

Quy định phân loại ràng buộc: là văn bản pháp luật quy định mã cho một loại hàng hóa nào đó. Quy định này thường có giá trị trong khoảng thời gian 6 tháng kể từ ngày ban hành và chỉ có giá trị đối với đối tượng áp dụng của nó mà thôi. Quy định này có thể được áp dụng trong hoạt động xuất nhập khẩu của tất cả các nước thành viên EU.

Tất cả các Quy định phân loại ràng buộc được đăng ký trong một hệ thống cơ sở dữ liệu chung của các nước EU. Khi áp dụng một quy định nào đó bạn phải thừa nhận và tuân thủ trình tự của nó. Để áp dụng bạn phải điền vào một tờ khai đặc biệt tại các cơ quan hải quan Thụy Điển.

Một số loại phí hải quan:

Phí hoá đơn: Trong một số trường hợp, hải quan sẽ cân nhắc thu phí phụ thêm dựa trên hoá đơn của chuyến hàng. Phí này thường được thu nếu hải quan thấy cần thiết, dựa vào kích cỡ hàng lớn và số lượng nhiều hoá đơn.

Phí kiểm tra hàng: Khoản phí phụ thêm này có thể được thu cho một số loại hàng hoá (ví dụ các loại cây hoặc các sản phẩm tươi sống phục vụ tiêu dùng địa phương) để tiến hành hoạt động kiểm tra hoặc thử nghiệm cần thiết khi hàng hoá tham gia vào thương mại Thụy Điển.

 
 
                                                                               Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển
                                                                                               Nguồn: VietnamExport

Các tin khác
«    1 2 3   »
  • ĐIỂM TIN - SỰ KIỆN
  • CHIA SẺ
song-hong-25102021
cong-ty-tnhh-truyen-thong-live-channel
cong-ty-tnhh-dt-xd-tm-dv-moc-may-man
-
-o-e-
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Số người truy cập : 9.548.009
  • Số người online : 3